Nông nghiệp hữu cơ là một hành trình!
Một ngày mới lại bắt đầu trong tiết trời se lạnh tại Tutra, Đơn Dương, Lâm Đồng. Những cô chú nông dân cần cù lại chăm chỉ lên vườn, cần mẫn chăm sóc cho những luống rau, giàn đậu sắp đến ngày thu hoạch. Từ khi chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ, cùng nhau vượt qua những khó khăn ban đầu, thành quả đáng mong đợi cuối cùng đã đến. Thành quả không chỉ là niềm vui và niềm hạnh phúc khi có thể mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch lành, mà thành quả còn là sự cải thiện trong sức khoẻ của chính những người nông dân và “sức khoẻ” của Đất Mẹ.
Hành trình chuyển đổi
Trở lại câu chuyện của 6 năm trước (khoảng năm 2016), sau nhiều năm canh tác với hóa chất độc hại, những người nông dân ngày càng nhận thức rõ việc sử dụng các hoá chất không mong muốn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà chính người sản xuất là những người bị ảnh hưởng đầu tiên. Không chỉ sức khỏe ngày càng yếu đi, những người nông dân còn phải gánh thêm khoản nợ từ việc mua phân thuốc hóa học. Với mong muốn cải thiện môi trường sống xung quanh, không để môi trường phải chịu những tác động tiêu cực từ ô nhiễm hoá chất, bảo vệ sức khỏe bản thân và người tiêu dùng, những nông hộ tại đây đã bắt đầu chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ, dưới sự đồng hành của tổ chức Caritas Đà Lạt trong việc định hướng sản xuất và kỹ thuật trồng trọt.
Rau củ bị sâu bệnh phá hoại, mẫu mã không đẹp mắt, mưa bão làm hư úng rau màu,… là một trong vô vàn những khó khăn của các cô chú nông dân trong những ngày đầu chuyển đổi sang canh tác mà không dùng phân thuốc hóa học. Dần dần, kinh nghiệm được tích lũy qua từng vụ mùa tiếp theo, các nông hộ chia sẻ cùng nhau kinh nghiệm ứng phó với thời tiết và cách phòng trừ sâu bệnh cho các loại rau màu và sự đồng hành của Caritas, sản phẩm thu hoạch được ngày càng chất lượng hơn, mẫu mã đẹp mắt hơn, sản lượng cũng cao hơn. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng rau củ quả thuận tự nhiên tăng cao do nhu cầu về nguồn thực phẩm chất lượng tăng mạnh cùng với sự tin yêu của người tiêu dùng, đầu ra sản phẩm ngày càng ổn định là nguồn động lực quan trọng giúp các cô chú nông dân thêm tin tưởng và kiên định với con đường làm nông nghiệp sạch mình đã chọn.
Chứng nhận hữu cơ CFGS
Caritas Đà Lạt là tổ chức hoạt động bác ái xã hội của Giáo Hội Công Giáo trực thuộc Toà Giám Mục Đà Lạt. Tổ chức hoạt động với sứ mệnh dấn thân, phục vụ cho việc phát triển con người, đặc biệt là người nghèo trong địa bàn giáo phận Đà Lạt, phục vụ sự sống, xây dựng cộng đồng nhân văn và chăm sóc môi trường.
Chứng nhận hữu cơ CFGS (Caritas Dalat Farmers’s Guarantee System): Hệ thống đảm bảo có sự tham gia của Caritas Đà Lạt. CFGS là một hệ thống địa phương tập trung vào đảm bảo chất lượng. Và người sản xuất được chứng nhận dựa vào sự tham gia của các bên liên quan, hệ thống được xây dựng dựa trên niềm tin, mạng lưới xã hội và trao đổi kiến thức.
Sau nhiều nỗ lực cố gắng, cùng nhau vượt qua những khó khăn, năm 2019, các nông hộ của cô chú nông dân Tutra, Đơn Dương, Lâm Đồng vui mừng khi cầm trong tay Giấy chứng nhận Hữu Cơ CFGS với tổng diện tích đất trồng là 12,200 m2 . Giấy chứng nhận được cấp cho 2 nhóm, bao gồm nông hộ của các cô chú: Ma Ban, Ma Biang, Ma Điễm, Ma Khuân, Ma Lĩu, Ma Nghiệp, Ma Đậm, Ma Lâm, Ma Soang, Ma Wơn và Ma Phương trồng xà lách, đậu cove, cà rốt, củ dền, bắp cải trắng, cải thảo,..
Mẹ Doanh (Trưởng nhóm nông dân) phát biểu trong buổi lễ trao giấy chứng nhận: “Thay mặt nông dân Chu Ru, xin cảm ơn quý khách hàng đã luôn tin tưởng những sản phẩm của bà con từ lúc bà con sản xuất sạch nhưng chưa có giấy chứng nhận trong suốt thời gian qua”.
Cùng với Mẹ Doanh, ByNature cảm thấy biết ơn và tự hào khi được đồng hành cùng những người nông dân nơi đây trong hành trình kết nối, kết nối những người nông dân tử tế và người tiêu dùng thông qua những sản phẩm chất lượng và tươi ngon từ vườn đến nhà.
Email: info@bynature.vn
Website: bynature.vn